Chợ tình Khâu Vai, nơi những mối tình dang dở có cơ hội gặp nhau: Nằm trọn trên ngọn đồi uốn lượn mềm mại như sợi dây mây, Khâu Vai thuộc huyện Mèo Vạc, Hà Giang quyến rũ du khách với phiên chợ tình có một không hai ở Việt Nam. Phiên chợ dành cho những người yêu có mối tình dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau. Và cứ mỗi năm nhằm ngày 27/3 âm lịch, những chàng trai cô gái dân tộc của vùng cao nguyên đá lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn tại nơi này...
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trên địa bàn Khâu Vai ngày nay, một gia đình nông dân nghèo người Nùng có ba người con trai, anh con trai thứ ba với tài thổi sáo và giọng hát rất hay. Tiếng sáo, giọng hát của chàng trai làm xiêu lòng biết bao cô gái trẻ. Nhà nghèo, nhưng chàng trai rất tốt bụng, thấy ai gặp khó khăn, chàng đều sẵn lòng giúp đỡ. Gần đó, nhà Tộc trưởng, người Giáy cô con gái út vừa đến tuổi trăng tròn, với vẻ đẹp làm mê đắm lòng bao chàng trai xứ bản. Nàng hát rất hay, giọng hát của nàng như tiếng chim họa mi hót.
Tiếng khèn của chàng trai trên đỉnh núi, dìu dặt, tha thiết gọi mời, tiếng hát của cô gái dưới bản, réo rắt, lưu luyến nhớ nhung. Mỗi lần nghe tiếng sáo dìu dặt ấy, đôi chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên người thổi sáo tâm tình. Chàng trai cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng hát của nàng trái tim chàng lại bồi hồi xao xuyến. Đôi trai tài, gái sắc bén duyên nhau từ đó.
Do khác nhau về thân phận, địa vị và dân tộc, mối tình ngang trái của đôi trái gái bị gia đình hai bên phản đối kịch liệt, gây ra xô xát, xích mích, hiềm khích giữa hai tộc người. Biết tình yêu của mình là nguyên nhân gây nên hiềm khích đó, thương cha mẹ, anh em, họ tộc phải đổ máu, hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về lại bản của mình. Họ thề nguyền kiếp sau sẽ nên duyên chồng - vợ và hẹn nhau nhớ ngày chia tay (27/3 Âm lịch) để hàng năm sẽ trở lại núi Khâu Vai gặp nhau, kể nhau nghe nỗi nhớ nhung phải chôn chặt tận đáy lòng.
Năm sau, đôi tình nhân ấy gặp nhau nhưng không phải ở núi Khâu Vai mà là ở thế giới bên kia. Để nhắc nhở tình yêu của đôi nam - nữ chung tình và để tránh kết thúc buồn cho những mối tình dang dở, chợ tình Khâu Vai ra đời từ đó.
Chợ tình Khâu Vai bồng bềnh trong mây núi
"Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…”
Câu hát xưa gắn với địa danh Khâu Vai luôn làm ấm lòng các đôi trai gái, như thôi thúc, mời gọi họ tới phiên chợ tình đầy quyến rũ này. Từ chiều 26/3 âm lịch, khắp các nẻo đường dẫn đến Khâu Vai đã rộn ràng tiếng cười nói của người dân xuống chợ, những con đường quanh co rực rỡ những trang phục đầy sắc màu của các cô sơn nữ. Người đến chợ có đủ mọi lứa tuổi, từ già tới trẻ với những gương mặt tươi tắn, rạng rỡ. Mặc cho rừng sâu, núi cao, mặc những mỏm đá tai mèo nham nhở, họ vẫn hăm hở vượt đèo, lội suối tìm tới chợ tình Khâu Vai với sự phấp phỏng, hy vọng...
Sau buổi chợ là những giây phút hẹn hò...
Người ta tìm đến Khâu Vai để gặp lại người yêu cũ, cùng uống rượu và tâm sự, ôn lại những tình cảm đã xa. Có khá nhiều đôi vợ chồng cùng rủ nhau đến chợ, để rồi đến nơi, mỗi người lại tự đi tìm "bạn cũ" của mình, mà không có sự ghen tuông hậm hực tại phiên chợ phong lưu này. Họ coi đó là những giây phút tự do, được phép "ngoài chồng, ngoài vợ”. Sau ngày 27/3, khi "cửa lòng" lại khép lại là lúc họ trở về và tiếp tục chung thủy với cuộc sống hôn nhân của mình. Chợ tình Khâu Vai hôm nay còn là nơi hò hẹn của những chàng trai cô gái. Những ánh mắt long lanh liếc xéo, những khuôn mặt ửng hồng cùng nụ cười e ấp ngại ngùng là cách để các nam thanh, nữ tú nơi đây bày tỏ tình cảm trong phiên chợ tình đặc biệt này...
Một tiết mục biểu diễn của người dân tộc tại chợ tình.
Chợ tình rộn rã với tiếng loa đài náo nhiệt, những khuôn mặt háo hức, hào hứng của những chàng trai cô gái ở bản, làng Hà Giang. Trong lễ hội có nghi thức dâng hương tại miếu ông miếu bà, có tiếng hát giao duyên, tiếng khèn lá gọi bạn. Các trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đánh sảng, chọi chim,…được tổ chức và được người dân hào hứng tham gia. Với những ai muốn thưởng thức ẩm thực độc đáo của vùng cao thì chợ Khâu Vai sẽ là một địa điểm lý tưởng với những gian hàng ẩm thực dân tộc đặc trưng như: mèn mén, thắng cố, lẩu dê, thịt treo, đậu chúa… Du khách đến đây sẽ còn phải ngỡ ngàng khi khám phá nét đẹp nguyên sơ của vùng cao nguyên đá và không gian trữ tình của những đôi lứa hẹn hò lặng lẽ dưới khung cảnh thơ mộng của núi rừng.
Chợ Khâu Vai còn là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân
Khâu Vai nằm trong một thung lũng, xung quanh là những dãy núi đá tai mèo cao chót vót. Đường đến Khâu Vai quanh co uốn lượn, lác đác những nếp nhà lưng chừng núi. Trong những ngày cái rét còn vương vấn, du khách đến với chợ tình Khâu Vai sẽ mãn nhãn với cảnh tượng hùng vĩ, cảm nhận được sự kỳ ảo của sương trắng bồng bềnh bao phủ trên đỉnh núi cao và đá tai mèo dựng đứng xam xám một màu trùng điệp.
Để cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của Hà Giang và chợ tình Khâu Vai thì phải mất tới 4 - 5 ngày mới trọn vẹn. Mùa này vùng đất mây phủ đang độ xuân sang, rực sắc hoa đào hơ mơ nở trắng các sườn đồi, cải nương cũng đang nở rực, đợi du khách khám phá và ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn.
Theo ( www.thoisu.com.vn)